Tin tức

Vỡ đập tại Phú Yên, người dân hoảng loạn

"Mọi người đang ngủ, nước bỗng ào vào nhà, chẳng mấy chốc tới cổ, ai nấy hoảng hồn cuống cuồng chạy lũ", chị Hương ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, bàng hoàng kể về cơn lũ được cho là kinh hoàng nhất 30 năm qua.
> Lũ lịch sử, nhiều khu vực miền Trung bị chia cắt/ Bình Định chìm trong lũ lịch sử/ Đường sắt tê liệt

Nguyên nhân nước bất ngờ tấn công sông Cầu là do đập Đá Vải bị vỡ tung. Dòng lũ từ thượng nguồn xuống, kết hợp với mưa to trong bão tạo thành sức mạnh dữ dội khiến con đập nhỏ không thể chịu đựng nổi.

Là người sống ở Sông Cầu gần 30 năm qua, người phụ nữ này thảng thốt cho biết chưa bao giờ chứng kiến cơn lũ kinh hoàng đến thế. Bố mẹ và họ hàng nhà chị đều khóc lóc và "bay hết hồn vía" khi chứng kiến dòng nước cuồn cuộn tấn công cư dân trong thị xã.

Chị Hương kể lại, khi mọi người trong nhà đã lên hết trên tầng thượng an toàn tránh lũ, nhìn ra phía đường cái, chị lạnh cả người khi thấy nhiều người dân từ những gian nhà lụp xụp của xóm tháo chạy ra ngoài để tìm nơi cao ráo hơn. Ngay lúc đó có một chiếc xe tải trờ tới, dòng người cứ thế kêu khóc van xin và đu theo để tìm hướng thoát thân. "Nhìn cảnh này không thể nào cầm được nước mắt", chị nói.

Theo người phụ nữ này, khu dân cư Long Bình, cũng thuộc thị xã Sông Cầu, chỉ toàn nhà thấp, nước cứ cuồn cuộn dâng. Nhiều người trèo kịp lên mái để trú, suốt ngày nay đang không có gì để ăn nên chỉ còn cầu may chờ cứu trợ.

Nhiều ngôi nhà ở Phú Yên sập đổ hoàn toàn sau bão Mirinae. Ảnh: Xuân Hiếu.

Thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Phú Yên, đến 16h30 hôm nay, tỉnh có 16 người chết, 11 người bị thương, 51 tàu cá và 1 sà lan gỗ bị chìm, 21 tàu bị trôi ra biển. Hầu hết nhà lợp tôn, ngói đều bị tốc mái, trong đó có 140 nhà sập hoàn toàn. Nhiều hồ nuôi tôm bị vỡ, hàng trăm ha hoa màu bị ngập. Tỉnh đã phải cầu viện Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương đưa 2 máy bay trực thăng đến cứu hộ dân vùng bị ngập trong nước.

Theo đại diện Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Phú Yên đang ứ đọng 3.000 người không thể di chuyển đến các tỉnh lân cận do đường sá bị tắc nghẽn. Hiện tỉnh đã phát lệnh cấm lưu thông để đảm bảo an toàn, điều ca nô từ Bình Định và Ninh Thuận đến hỗ trợ. Lưu thông trên Quốc lộ 1A đoạn qua Phú Yên bị ách tắc nhiều nơi.

Mưa lớn kéo dài, cộng với thủy triều dâng cao khiến nhiều vùng dân cư ở Sông Cầu, Tuy An và Đồng Xuân bị chia cắt. Chiều nay vẫn còn nhiều người kẹt trong vùng nước lũ. Tại xã An Hải (huyện Tuy An) nước biển đã xâm thực vào đất liền 2-3 m với chiều dài hơn 3 km, hàng trăm hộ dân phải sơ tán khẩn cấp. Hầu hết các khu vực mất điện, đến cuối ngày do nước vẫn còn dâng cao nên các công ty điện lực, viễn thông vẫn chưa nối lại điện, điện thoại.

Lực lượng cứu hộ đang ứng cứu người dân trong dòng nước chảy xiết và địa hình bị chia cắt. Ảnh: Báo Phú Yên.

Hầu hết các tỉnh Nam Trung bộ đều chịu thiệt hại nặng sau bão Mirinae. Tại Bình Định, vùng đồng bằng hạ lưu sông Hà Thanh và sông Kôn ngập trong biển nước 1-5 m. Giao thông tê liệt ở nhiều tuyến đường.

Theo đại diện cơ quan phòng chống lụt bão tỉnh, dù đã được chi viện thêm lực lượng, máy bay, nhưng do địa hình quá phức tạp và lượng dân cần hỗ trợ quá lớn nên việc cứu hộ bằng canô và cả máy bay trực thăng cũng gặp khó khăn. Đến chiều tối nay, nhiều người dân vẫn chưa thể đến nơi an toàn.

Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến 15h, 5 người dân Bình Định chết do bão Mirinae, 2 người mất tích, 15 người bị thương, 127 nhà sập hoàn toàn, gần 5.000 ngôi nhà hư hỏng, ngập nước, 1 trạm y tế và 116 phòng học bị tàn phá nặng.

Lũ dâng cao cũng khiến hàng nghìn hecta lúa, hoa màu, cây lâu năm bị gãy đổ. Nhiều tuyến đê sạt lở, kênh mương bồi lấp, phá hủy hàng loạt tuyến đường giao thông. Tổng thiệt hại ban đầu ước tính 81 tỷ đồng.

Nước tràn vào nhà, cuốn trôi đồ đạc của người dân. Ảnh: Kiều Mi.

Tại Khánh Hòa, tính đến 16h30 hôm nay, mưa lũ làm thiệt mạng 4 người, 4 người mất tích và 7 người bị thương. Mực nước dâng cao ở mức báo động 3 tại sông Dinh (Ninh Hà), sông Cái (Nha Trang) và chưa có dấu hiệu giảm.

Tại Quảng Ngãi, mưa lớn hai ngày qua gây sạt lở núi, làm ách tắc giao thông, cô lập nhiều đường nhiều đường từ trung tâm huyện về các xã ở các huyện miền núi. Riêng hệ thống thông tin liên lạc của huyện miền núi Sơn Tây vẫn chưa liên lạc được.

Mưa lớn gây sạt lở nặng tại đèo Viôlăc (huyện Ba Tơ). Chiều nay trời vẫn còn mưa to, nhiều khả năng núi sẽ tiếp tục sạt lở gây ách tắc giao thông.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi, đến chiều 3/11, bão số 11 đã làm một trường hợp bị thương nặng do chằng chống nhà cửa. Hơn 20 nhà dân ở huyện miền núi Trà Bồng và Sơn Hà bị sập hoàn toàn, hư hại nặng, nhiều trụ sở cơ quan bị tốc mái, đê bị sạt lở và nhiều tuyến giao thông miền núi bị hỏng.

Lũ cuốn trôi nhiều cây gỗ từ thượng nguồn về sông Trà Khúc, tấp vào bờ khiến nhiều người dân kéo nhau đi thu lượm. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho dân trong tình hình lũ lớn quá nhanh và dữ dội, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ngãi đã phải ban hành lệnh cấm người dân ra bờ sông nhặt củi.

Tính đến 16h30, đã có 25 người chết, 31 người bị thương vì bão Mirinae tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, số liệu thống kê từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các địa phương này.